Xây dựng mức chi phí cho lập quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cấp tỉnh

ThS. Tiết Minh Tuyết – Viện Năng Lượng

Quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện nay đang là nhiệm vụ cần thiết cấp bách. Trên cơ sở có quy hoạch các địa phương mới có thể kêu gọi đầu tư phát triển điện gió. Điện gió vốn là nguồn năng lượng tái tạo bổ sung đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ điện trên các địa bàn riêng từng tỉnh, nhất là những khu vực có nhiều tiềm năng năng lượng gió. Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phải theo các quy trình, nội dung mà Bộ Công Thương quy định và cần phải có kinh phí phù hợp.
1. Sự cần thiết
Quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện nay đang là nhiệm vụ cần thiết cấp bách. Trên cơ sở có quy hoạch các địa phương mới có thể kêu gọi đầu tư phát triển điện gió. Điện gió vốn là nguồn năng lượng tái tạo bổ sung đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ điện trên các địa bàn riêng từng tỉnh, nhất là những khu vực có nhiều tiềm năng năng lượng gió. Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phải theo các quy trình, nội dung mà Bộ Công Thương quy định và cần phải có kinh phí phù hợp.
Ngày 29 tháng 6 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện gió quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có tiềm năng phát triển điện gió chịu trách nhiệm lập quy hoạch điện gió trên địa bàn trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Việc quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện trên địa bàn tỉnh có tiềm năng gió là cần thiết nhằm giúp địa phương xác định các khu vực tiềm năng, dành quỹ đất ưu tiên phát triển điện gió, tránh được quy hoạch trùng lặp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư điện gió, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của tỉnh và đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Để thực hiện lập quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cho các tỉnh địa phương, cần thiết phải có quy định mức chi phí cho việc lập, thẩm định và công bố quy hoạch này. Hiện nay, trong quyết định số 3836/QĐ-BCN/2005 của Bộ Công Nghiệp trước đây, nay là Bộ Công Thương, quy định định mức đơn giá chi phí cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực địa phương, trong đó chỉ có đơn giá cho việc lập quy hoạch phát triển lưới điện và phát triển nguồn thuỷ điện nhỏ, chưa có định mức chi phí cho lập quy hoạch phát triển điện gió. Hiện nay Bộ Kế hoạch Đầu tư có Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 9/2/2012, chủ yếu là quy định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội và quy hoạch chung cho ngành theo vùng, khu vực,… không phù hợp áp dụng làm định mức chi phí cho lập quy hoạch phát triển điện gió khu vực quốc gia và địa phương tỉnh, là lĩnh vực chuyên ngành sâu riêng biệt.
Quy hoạch phát triển điện gió là loại hình công việc mới, có nhiều tính chất đặc thù, cần có định mức chi phí chuyên ngành riêng biệt cho việc lập quy hoạch phát triển điện gió.
2. Mục tiêu
Mức chi phí cho công tác lập, thẩm định, công bố quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia sẽ làm cơ sở dự trù ngân sách trung ương cho việc thực hiện quy hoạch điện gió cấp quốc gia. Mức chi phí công tác lập, thẩm định, công bố quy hoạch phát triển điện gió cấp tỉnh sẽ làm cơ sở cho các tỉnh dự trù kinh phí ngân sách địa phương, thoả thuận ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch phát triển điện gió ở các tỉnh.
3. Nguyên tắc chung và kết quả thực hiện
Kinh phí cho nhiệm vụ lập báo cáo quy hoạch phát triển điện gió được lập trên cơ sở xây dựng định mức chi phí.
Trên cơ sở những nguyên tắc và phương pháp chung về xây dựng định mức chi phí, Viện Năng Lượng – đơn vị thực hiện đề án đã kết hợp các kinh nghiệm chuyên gia cùng với các đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch để xây dựng khối lượng công và chi phí quy hoạch, đáp ứng từng nội dung các công đoạn của công tác quy hoạch. Từ các số liệu thu thập và tính toán về công tác lập quy hoạch điện gió, mức chi phí quy hoạch được đưa ra trên quy mô quy chuẩn ở mức độ trung bình tiên tiến cho cấp quốc gia và cấp tỉnh hợp lý, đồng thời, xác định và đề xuất các hệ số áp dụng ngoài mức chuẩn phù hợp.
Từ kết quả của đề án, đơn vị thực hiện đã dự thảo các nội dung quy định áp dụng về định mức chi phí quy hoạch phát triển điện gió và các kiến nghị, làm cơ sở giúp Bộ Công Thương soạn thảo ban hành chính thức định mức chi phí quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Facebook
Twitter
LinkedIn