Viện Năng lượng tham gia khóa đào tạo tập huấn “GREEN HYDROGEN & PTX”: tích cực và hiệu quả

Hiện nay, ở Việt Nam phần lớn hydro được sản xuất bằng công nghệ hóa nhiệt khí thiên nhiên với hơi nước (natural gas steam reforming) gọi là hydro xám, được sử dụng phần lớn trong các ngành công nghiệp hóa dầu và phân bón. PVN là đơn vị sản xuất và tiêu thụ hydro chủ yếu với công suất khoảng 500.000 tấn/năm, với 4 nhà máy phân đạm và lọc hóa dầu là các hộ tiêu thụ chính.
Việt Nam có tiềm năng to lớn về nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời mang lại cơ hội lớn cho việc sản xuất hydro. Sản xuất hydro bằng công nghệ điện phân từ nguồn năng lượng tái tạo (gọi là hydro xanh) là tiền đề hình thành chiến lược phát triển kinh tế bền vững và không phát thải các bon trong tương lai. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với hydro xanh ở Tây Âu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho Việt Nam để trở thành nước sản xuất và xuất khẩu hydro xanh ra thị trường quốc tế.
Để hỗ trợ các chuyên gia ngành năng lượng Việt Nam bước đầu nhận thức và hiểu biết lĩnh vực hydro như các khái niệm, công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, khung pháp lý, cơ chế chính sách để phát triển một nền kinh tế hydro, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp với Bộ Công Thương, Viện Năng lượng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức khóa tập huấn “Green Hydrogen & PtX”. Nội dung khóa tập huấn được trình bày bởi GS.TS Ing. Christoph Menke trường Đại học Khoa học Ứng dụng Trier, Đức, cùng với sự tham gia của các cán bộ đến từ Bộ Công Thương, Viện Năng lượng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong khóa tập huấn các thành viên tham gia cũng đã trao đổi và phân tích các ứng dụng thách thức tiềm năng của hydro xanh và PtX ở Việt Nam bằng phân tích SWOT (điểm mạnh – điểm yếu – cơ hội – thách thức). Tất cả những thành viên tham gia đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải bắt đầu xây dựng kiến thức và sự hiểu biết của các bên liên quan trong lĩnh vực mới mẻ này. Trong tương lai gần, Việt Nam cần xây dựng lộ trình, xác định mục tiêu và phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan trong triển khai phát triển nền kinh tế hydro. Trong quá trình phát triển nền kinh tế hydro, đào tạo nhân lực và học hỏi từ các dự án khác trên toàn cầu là rất quan trọng trong giai đoạn phát triển đầu tiên.
Là cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và điện lực trực thuộc Bộ Công Thương, Viện Năng lượng đã cử các bộ chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của khóa học. Tham gia khóa học, đại diện của Viện Năng lượng đã có bài trình bày về “Phát triển hydro xanh tại Việt Nam: Tại sao và Như thế nào?”. Bài trình bày đã cung cấp thông tin tổng quan về sự cần thiết, hiện trạng, định hướng với các vấn đề về xu hướng phát triển và nhu cầu, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để phát triển hydro xanh tại Việt Nam. Viện Năng lượng cũng đã chia sẻ về hoạt động của Viện trong lĩnh vực này. Theo đó, Viện đang triển khai một số định hướng đó là:
– Nghiên cứu về hydro (xanh) trong hệ thống năng lượng với các mục tiêu phù hợp theo từng giai đoạn và theo cách tiếp cận tổng thể với các vấn đề về: (i) Sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, sử dụng; (ii) Kinh tế, công nghệ & môi trường; (iii) Cơ chế, chính sách và khung pháp lý.
– Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng như các dự án, đề án trên cơ sở phát huy thế mạnh, năng lực của Viện. Trong đó, Viện sẽ sử dụng các kết quả từ hoạt động R&D và dịch vụ tư vấn tham gia quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và khung pháp lý cho phát triển hydro xanh.
– Tăng cường tổ chức seminar, hội thảo nhằm trao đổi học thuật và nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực phát triển hydro xanh.
Với vai trò là tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Công Thương, quá trình tham gia khóa đào tạo tập huấn đã giúp các cán bộ của Viện Năng lượng được cập nhật kịp thời về hiện trạng, định hướng, chiến lược phát triển hydro xanh của thế giới. Thông tin và kiến thức từ khóa học sẽ giúp Viện Năng lượng nâng cao năng lực trong công tác tham mưu chiến lược về phát triển năng lượng và điện lực cho Bộ Công Thương. Đặc biệt khóa học cũng góp phần mở ra định hướng cho Viện Năng lượng tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ hydro xanh tại Việt Nam./.
(1) PtX: Power to X, X là các sản phẩm nhiên liệu có chứa hydro

Facebook
Twitter
LinkedIn