Nghiệm thu Công cụ đánh giá và xếp hạng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các phân ngành công nghiệp

Nguyễn Hoàng Anh, Kỹ sư hệ thống điện, Phòng Kinh tế dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng
Sau nhiều tháng thực hiện, đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ đánh giá và xếp hạng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các phân ngành công nghiệp” do Viện Năng lượng chủ trì, đã được hoàn thành với đầy đủ các nội dung nghiên cứu, theo đúng tiến độ và đã được Bộ Công Thương tổ chức nghiệm thu.

Chu trình nghiên cứu của đề tài

Các thành phần của IE-E2MACC

   Đề tài tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các phân ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Các giải pháp này đã được nhận dạng trong các nghiên cứu định mức tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu thập các báo cáo kiểm toán năng lượng thuộc các phân ngành tiêu thụ nhiều năng lượng được thực hiện trong giai đoạn 2011-2018.
Bên cạnh đó, một công cụ tổng hợp và đánh giá, được phát triển trên nền tảng MS Excel lấy tên là “IE-E2MACC” , nhằm thể hiện toàn bộ kết quả tính toán. Công cụ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phân tích về thứ tự ưu tiên thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng sau này, thông qua khả năng xây dựng Đường cong chi phí tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 cho các phân ngành công nghiệp.
Về kết quả, đề tài đã thực hiện phân tích và đánh giá cho 5 phân ngành công nghiệp với 17 quá trình/sản phẩm khác nhau, bao gồm: đồ uống, dệt, giấy, thép, xi măng. Theo đó, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2016 của các phân ngành công nghiệp này khoảng 10,8 MTOE. Nhu cầu năng lượng dự báo tăng lên mức 17,1 MTOE vào năm 2025 và tăng lên đến 26,8 MTOE vào năm 2030. Phát thải CO2 cơ sở được ước tính tăng từ mức 57,7 triệu tấn CO2 năm 2016 tăng lên đến 89,2 triệu tấn CO2 năm 2020 và 143,2 triệu tấn CO2 năm 2030. Phát thải CO2 bao gồm cả phát thải từ sản xuất điện năng.
Kết quả tính toán từ Công cụ IE-E2MACC cũng cho thấy mức chi phí trung bình trọng số của cả phân ngành có giá trị trong khoảng -2USD/GJ đến 2USD/GJ. Các ngành có mức chi phí trung bình trọng số hấp dẫn nhất là xi măng, sợi, dệt, đồ uống không ga, bia quy mô vừa và nhuộm. Các ngành cán thép và sản xuất gang có mức chi phí thực hiện trung bình trọng số dương.
Tổng hợp kết quả đánh giá cho thấy, mức đầu tư cho toàn bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng là 35,1 nghìn tỷ VNĐ vào năm 2020 và 96,9 nghìn tỷ VNĐ vào năm 2020. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng ở năm 2020 có thể góp phần tiết kiệm chi phí nhiên liệu khoảng 8,2 nghìn tỷ VNĐ/năm và ở năm 2030 là 34,9 nghìn tỷ VNĐ.
Tổng hợp tất cả các phân ngành đánh giá, mức giảm phát thải CO2 tổng cộng là 4,97 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và 15,17 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Nếu thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất trong các phân ngành này sẽ góp phần làm giảm tốc độ tăng phát thải CO2 từ 6,7%/năm xuống 5,9%/năm trong cả giai đoạn 2016-2030.

Facebook
Twitter
LinkedIn