Hội thảo về các giải pháp môi trường liên quan đến hai dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời hồ Phú Ninh và hồ Khe Tân

ThS. Bùi Thành Trung, Phó Trưởng phòng Quy hoạch lưới điện, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

Ngày 11/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bamboo Capital Group (Công ty cổ phần BCG) với đại diện là Công ty cổ phần BCG Floating Energy, tư vấn quốc tế ENEA và Viện Năng lượng tổ chức hội thảo về các giải pháp môi trường liên quan đến hai dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời hồ Phú Ninh và hồ Khe Tân. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam và các đồng chí lãnh đạo, đại diện cho các Sở, ngành trên địa bàn, các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị quản lý và khác thác tại 2 hồ Phú Ninh và Khe Tân. Về phía BCG có ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần BCG Floating Energy.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nêu rõ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với sự phát triển của năng lượng mới, năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời trong bối cảnh nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam cũng như của Việt Nam trong giai đoạn tới chúng ta có nhu cầu năng lượng rất lớn trong khi các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày một cạn kiệt. Đồng chí cũng đặt ra những vấn đề về ảnh hưởng của các dự án với môi trường và hệ sinh thái của 2 hồ và cuộc sống của nhân dân xung quanh hồ khi 2 dự án lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước và yêu cầu các đơn vị phải có các tính toán nghiên cứu về vấn đề này.

Hai dự án nhà máy điện mặt trời hồ Phú Ninh và Khe Tân có quy mô công suất mỗi nhà máy là 200MWp được xây dựng nổi trên mặt nước. Các tấm pin mặt trời được đặt trên hệ thống phao nổi, chỉ có trạm biến áp nâng áp và đường dây đấu nối vào Hệ thống điện Quốc gia được xây dựng ven bờ. Sản lượng điện năm đầu của mỗi nhà máy ước đạt 304,6 triệu kWh với vốn đầu tư khoảng 4000 tỉ đồng.

Tham gia với tư cách là đơn vị tư vấn chính cho cả 2 dự án nhà máy điện mặt trời trên hồ Phú Ninh và Khe Tân, Viện Năng lượng cũng đã phối hợp với tư vấn quốc tế ENEA, đơn vị chủ đầu tư BCG trình bày các giải pháp về môi trường cho 2 dự án, đưa ra các nghiên cứu, đánh giá về tác động môi trường của 2 dự án. Điều này càng khẳng định vị thế của Viện Năng lượng là một đơn vị tư vấn luôn đi đầu trong lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.
Điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác. Với nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời vô tận của Việt Nam, điện mặt trời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho địa phương và đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Trong khi các dự án điện mặt trời khác có hệ số chiếm dụng đất khoảng 1,2 (1MWp/1,2ha) thì các dự án điện mặt trời trên hồ chỉ chiếm dụng diện tích đất rất nhỏ cho trạm nâng áp và đường dây đấu nối được đặt trên bờ. Chính vì vậy, việc triển khai các dự án điện mặt trời trên mặt hồ là một giải pháp tiết kiệm diện tích đất hiệu quả nhất cho các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.

Facebook
Twitter
LinkedIn