Lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B

ThS. Nguyễn Hoàng Sơn, nghiên cứu viên Phòng Quy hoạch lưới điện.
Ngày 15 tháng 7 năm 2019, Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B quy mô công suất 100MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận sau 6 tháng thi công.

Tham dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Đồng chí Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các quan khách.
Dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B bao gồm khoảng 394.240 tấm pin quang điện công suất 330Wp, 20 cụm inverter công suất 5100KW/1 cụm, mỗi cụm gồm 2 inverter 2,550MW kết nối với 01 máy biến áp nâng áp công suất 5100 kVA được xây dựng trên diện tích 140 ha đất hoang hóa, khô cằn với tổng vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng. Đây là dự án phát điện bằng năng lượng mặt trời mà Viện Năng lượng là đơn vị tư vấn phối hợp thực hiện các giai đoạn từ lập báo cáo đấu nối, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở, các thỏa thuận Scada và viễn thông, rơ le và đo đếm, hỗ trợ chủ đầu tư giai đoạn nghiệm thu đóng điện.
Trải qua 9 tháng phối hợp chặt chẽ cùng Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2, Viện Năng lượng đã hoàn thành các bước thiết kế cho dự án để triển khai công tác xây dựng đưa dự án hòa lưới điện lần đầu và đưa vào vận hành thương mại (COD) trước tháng 6/2019 để được hưởng giá mua điện ưu đãi của chính phủ là 9,35UScent/kWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Dự án có sản lượng điện của năm đầu khoảng 194,605 triệu kWh. Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B sử dụng chung trạm biến áp 220kV và đường dây đấu nối với dự án Điện mặt trời Hồng Phong 1A.
Khi nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực và tỉnh Bình Thuận phát triển đi lên theo hướng góp phần xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành một Trung tâm năng lượng tái tạo và làm giảm thiếu điện của Việt Nam trong giai đoạn tới khi chúng ta đã dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn nhiệt điện đang dự kiến chậm tiến độ như các nhiệt điện Long Phú, Ô Môn và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh…

Facebook
Twitter
LinkedIn